Thứ 7, Ngày 22 tháng 08 năm 2020, 11:36

Bonsai trong không gian Cổ vật

Cổ vật và Bonsai – hai chủ thể tưởng chừng như không có mối liên hệ nào với nhau lại có những nét tương đồng vô cùng thú vị.

Nếu chỉ dùng con mắt phán đoán thông thường để quan sát thì thật khó để nhận ra những điểm tương đồng này. Muốn phát hiện ra chúng, người xem cần phải có thời gian để tìm hiểu, chiêm nghiệm và nghiền ngẫm về cổ vật cũng như cây cảnh Bonsai.

Xét về vẻ bề ngoài, cả cổ vật và cây cảnh Bonsai đều khoác lên mình bộ áo của thời gian. Thoạt nhìn, những cổ vật qua nhiều năm bị chôn vùi phong hóa hay qua tay nhiều thế hệ sẽ không thể tránh khỏi sự biến dạng và phai mờ. Cổ vật không bóng bảy, bắt mắt mà tự thân nó toát lên vẻ cổ kính, thăng trầm qua từng nốt rỉ mọt, từng đường vân rạn, bong tróc. Dường như thời gian khiến cho chất sơn chất men, da gốm đằm thắm và trầm lắng hơn nhiều.
Về phía Bonsai, những dấu tích của thời gian hầu hết tập trung ở đường nét ấn tượng, vẻ u sần, vân nếp nhăn nheo từ lớp biểu bì quanh thân tới bộ rễ,. Nào là những mảng lũa dọc thân cổ kính bật lên sức sống mãnh liệt, nào là những tì vết gân guốc sần sùi minh chứng cho sự chống chọi với khắc nghiệt tự nhiên… Thật không dễ gì một chậu cây nhỏ có thể mang trên mình tầm vóc, dáng vẻ của những gốc đại thụ trong rừng thẳm.
Người xem hoàn toàn có thể thưởng thức cổ vật và Bonsai một cách đơn nhất. Tuy nhiên, khi đặt hai chủ thể này sát gần nhau sẽ tạo nên không gian sâu lắng, trầm mặc đến lạ kỳ. Chính nhờ những đường nét cổ kính, rêu phong mang đậm dấu tích của thời gian đã khiến cho Bonsai và cổ vật trở nên đồng điệu, ăn nhập khi đặt cạnh nhau. Chúng hài hòa, dung dị tới mức khó định ra đâu là ranh giới. Thật lạ, rõ ràng một không gian sống hiện đại mà đẫm chất huyễn hoặc trong nhất thể, chất đầy sự tĩnh mặc mà sao vẫn sinh động đầy màu sắc, huyền ảo đến khó tả.
Đặc biệt, nếu biết cách khéo léo đưa  Bonsai vào chậu cổ, chậu gốm thích hợp thì hai chủ thể này có thể tương hỗ, quấn quýt bên nhau tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đạt đến độ hoàn mỹ. Ấn tượng thẩm mỹ mà tác phẩm Bonsai tác động vào cảm quan của người xem chính là kết quả của sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa vẻ đẹp hình thể của cây cùng với sự hài hòa, ấn tượng về không gian mà nó tạo ra được ở trên chậu.
Nếu tinh tế hơn nữa, người xem sẽ phát hiện ra việc kết hợp giữa bonsai và cổ vật còn mang tới sự tiếp nối kinh ngạc. Cổ vật là minh chứng văn hóa còn xót lại của một thời đại. Tuy bị các tác nhân khách quan tác động làm biến dạng ít nhiều nhưng về bản chất cổ vật không phát triển thành dạng mới mà chỉ tồn tại trong một thể nhất định. Về phía cây cảnh Bonsai, dù người xem nhìn nhận chúng bằng lăng kính nghệ thuật nào thì bản chất mỗi cây vẫn là vật thể sống, vẫn sinh sôi phát triển từng ngày từng giờ. Chính vì vậy khi đặt Bonsai trong chậu cổ, chậu gốm phù hợp sẽ là bước tiếp nối từ lắng đọng đến xoay vần. Hay chính là gieo rắc, nuôi dưỡng, chăm sóc nghệ thuật sống trên nghệ thuật tĩnh đỉnh cao.
Ngoài những giá trị có thể đo đếm và cảm nhận bằng các giác quan thông thường như vẻ đẹp bên ngoài, công dụng trang trí, công dụng sử dụng hay giá trị quy đổi bằng tiền mặt, cả cổ vật và bonsai đều mang trong mình những giá trị phi vật thể quý giá. Bởi cổ vật và bonsai là tinh hoa do con người sáng tạo ra. Các tác phẩm Bonsai theo thời gian sẽ góp phần thể hiện đời sống nội tâm riêng tư, thăng trầm biến động của người nghệ nhân. Còn cổ vật phản ánh, lưu giữ nét văn hóa điển hình đại diện cho một cộng đồng người trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Cổ vật như một bức tranh sinh động, giàu thông tin mà người xưa phác họa lại bằng những họa tiết hoa văn tối giản. Để từ đó, khi nhìn vào, những thế hệ sau này có thể hình dung, phục dựng lại bối cảnh văn hóa lịch sử gắn liền với sự ra đời của cổ vật đó.
Thật tuyệt vời biết bao nếu sau bao bộn bề của cuộc sống xô bồ, ta được chậm lại, được thả hồn vào không gian tĩnh lặng của cổ vật và bonsai. Thật không ngoa khi nói cổ vật và bonsai là những nốt trầm sao xuyến trong bản nhạc thời gian, bản nhạc cuộc đời của những người nghệ nhân và người chơi cổ vật.
Để tôn vinh những giá trị quý báu của những tác phẩm Bonsai, từ ngày 25/04 đến hết ngày 15/05 Hội cây cảnh Thăng Long kết hợp cùng Trang trại hoa cây cảnh Thăng Long tổ chức Triển lãm Hoa và Nghệ thuật Bonsai tại khuôn viên của trang trại.
Dự kiến Triển lãm quy tụ hơn 200 tác phẩm Bonsai đặc sắc có kích thước vừa và nhỏ cùng hơn 300 giống hoa hồng quốc tế đẹp mắt. Rất mong nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của toàn thể quý nghệ nhân cũng như cộng đồng sinh vật cảnh trên cả nước